Quả thật, những gì Allah lấy đi cũng như những gì Ngài ban phát đều là của Ngài, tất cả mọi thứ ở nơi Ngài đều vì một kỳ hạn đã định. Bởi thế, hãy kiên nhẫn chịu đựng và hãy hy vọng sự ban thưởng.
Translation: Ông Usamah bin Zaid bin Harithah thuật lại: Con gái của Thiên Sứ cử người đi gọi Thiên Sứ vì đứa con trai của bà vừa trút hơi thở cuối cùng. Nhưng Thiên Sứ chỉ gởi lại lời Salam và nói: {Quả thật, những gì Allah lấy đi cũng như những gì Ngài ban phát đều là của Ngài, tất cả mọi thứ ở nơi Ngài đều vì một kỳ hạn đã định; bởi thế, hãy kiên nhẫn chịu đựng và hãy hy vọng sự ban thưởng.} Bà lại cử người đi gọi Thiên Sứ một lần nữa và thề bằng mọi giá Người phải đến. Thế là Người đứng dậy và những người đi cùng với Người là Sa-'ad bin 'Ibadah, Mu'azd bin Jabal, Ubai bin Ka'ab và Zaid bin Thabit cùng một số người đàn ông khác (cầu xin Allah hài lòng về họ). Đến nơi, đứa bé được bế cho Thiên Sứ, Người bế nó vào lòng, cơ thể Người run run, đôi mắt của Người tuôn dòng lệ. Sa-'ad nói: Thưa Thiên Sứ của Allah, sao vậy (ý nói sao Người lại khóc)? Thiên Sứ của Allah nói: {Đây là sự trắc ẩn mà Allah đã để nó trong lòng của đám bề tôi của Ngài.} Còn trong một lời dẫn khác: {... trong lòng của ai Ngài muốn từ đám bề tôi của Ngài, quả thật Allah chỉ yêu thương ai trong đám bề tôi của Ngài là những người có lòng trắc ẩn.}
Attribution: Do Al-Bukhari và Muslim ghi
Grade: Sahih (chính xác)
Explanation: Ông Usamah bin Zaid (cầu xin Allah hài lòng về ông) thuật lại rằng một trong số người con của Thiên Sứ cử người đi báo với Người rằng con của bà đã trút hơi thở cuối cùng và bà muốn Người phải đến. Người đi báo đã báo tin cho Thiên Sứ nhưng Người bảo người đó: {Ngươi hãy bảo nó: hãy kiên nhẫn chịu đựng và mong được phần thưởng bởi quả thật, những gì Ngài lấy đi cũng như những gì Ngài ban phát đều là của Ngài, tất cả mọi thứ ở nơi Ngài đều vì một kỳ hạn đã định.} Thiên sứ của Allah đã bảo người đến báo tin hãy bảo đứa con gái của Người (mẹ của đứa trẻ) với những lời trên. Lời của Người: {hãy kiên nhẫn chịu đựng} có nghĩa là hãy kiên nhẫn chịu đựng với điều mất mát đó; {và hãy hy vọng phần ân thưởng} có nghĩa là hãy mong được phần ban thưởng từ nơi Allah vì sự kiên nhẫn chịu đựng trước sự mất mát đau buồn mà Ngài đã định, bởi lẽ trong nhân loại có người kiên nhẫn chịu đựng nhưng không hy vọng được ban thưởng. Do đó, nếu một người kiên nhẫn chịu đựng vì mong được phần ban thưởng từ nơi Allah thì y đích thực là người có đức tin nơi Ngài. Lời của Người: {Quả thật, những gì Allah lấy đi cũng như những gì Ngài ban phát đều là của Ngài} là lời nói mang giá trị to lớn, có nghĩa là tất cả mọi thứ đều thuộc về Allah cho nên nếu việc Ngài lấy đi một thứ gì của ai đó thì thật ra Ngài chỉ lấy lại thứ thuộc về Ngài, vậy cớ sao người đó phải nổi giận và oán trách? Chính vì lẽ này, khi một người gặp phải sự mất mát đau thương thì giáo lý khuyến khích y nói: {Inna lillah wa inna ilayhi ra-ji'un - Quả thật, bầy tôi là của Allah và chắc chắn bầy tôi phải trở về với Ngài} tức bầy tôi nằm dưới vương quyền của Allah cho nên Ngài muốn làm gì với bầy tôi là túy ý Ngài. Vì vậy, những gì chúng ta yêu thích mà Ngài lấy chúng đi trước mặt chúng ta thì đó là quyền của Ngài, Ngài có quyền lấy và có quyền cho, chúng ta không có quyền oán trách và giận hờn bởi nếu chúng ta có thái độ như thế là chúng ta đang hành xử không đúng và vô lý. Lời của Người: {Tất cả mọi thứ ở nơi Ngài đều vì một kỳ hạn đã định} có nghĩa là tất cả mọi sự việc, mọi vật đều được Ngài định lượng với một định mức nhất định. Khi chúng ta ý thức được điều này với đức tin kiên định thì chúng ta sẽ biết hài lòng và không oán than trách phận. Đây là lời cuối cùng của Hadith muốn khẳng định rằng con người không thể nào thay đổi những điều đã được Allah định đoạt và an bài, con người không thể trì hoãn bất cứ điều gì cũng như không thể làm cho nó xảy ra sớm hơn nếu như nó đã được tiền định ở nơi Allah. Allah đã khẳng định sự việc này trong lời phán của Ngài: {Mỗi một cộng đồng đều có một thời hạn ấn định riêng; khi nào thời hạn của họ đã đến thì họ không thể trì hoãn cũng như không thể làm cho nó sớm hơn một khoảnh khắc nào”.} (Chương 10 – Yunus: 49). Nếu sự việc đã định không thể trì hoãn cũng không thể làm cho sớm hơn thì cớ sao lại phải đau buồn và oán trách một cách vô nghĩa. Tuy nhiên, con gái của Thiên Sứ đã cử người đi gọi Người lần thứ hai và đòi Người phải đến cho bằng được. Thế là, Người đã đứng dậy và đi, đi cùng với Người là một nhóm các Sahabah. Khi đến nơi, đứa trẻ được bế lên đưa cho Người, Người bồng đứa cháu của mình vào lòng và khóc, đôi mắt của Người tuôn trào dòng lệ. Trước sự xúc động của Thiên Sứ, ông Sa-'ad bin Ibadah nghĩ rằng Người khóc vì đã không kiên nhẫn chịu đựng cho số phận đã an bài nên mới đau lòng như thế. Thiên Sứ của Allah đã nói với ông: Đó là lòng trắc ẩn, là tình thương mà Allah đã đặt nó trong trái tim của mỗi con người. Sau đó, Người nói: {Quả thật, Allah chỉ yêu thương ai trong đám bề tôi của Ngài là những người có lòng trắc ẩn.} Đây là bằng chứng giáo lý được phép khóc vì lòng trắc ẩn.